Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

VĂN HOÁ HÔN NHÂN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TỪ NGUYÊN HỌC VĂN HOÁ

                                                                                         ThS. Võ Minh Hải
                                                                         (GV, Khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn)


Theo Lễ kinh 禮經, hôn nhân là một trong 04 nghi lễ quan trọng của đời người. Đó là Quan, Hôn, Tang, Tế. Quán 冠 là lễ gia quan (đội mũ), biểu thị sự trưởng thành của nam nhân, bởi lẽ ngày xưa con trai hai mươi tuổi thì phải làm lễ đội mũ. Vì thế, theo Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển, con trai trong hai mươi tuổi còn gọi là nhược quan 弱冠.Hôn 婚 (tức nghi lễ thành gia lập thất, duy trì lễ pháp tông đường), Tang 喪 là nghi lễ kết thúc chu trình vòng đời một con người và Tế 祭 là nghi lễ tôn thiên kính địa, lễ bái tiền nhân, tổ tiên của dòng họ, đây là một sự việc cực kỳ trọng đại và liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh của con người. Trong chu trình của một đời người, 04 nghi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của con người xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu và lý giải nguồn gốc nghi lễ thứ hai của hai từ góc độ từ nguyên văn hoá.
Trong văn tự cổ Trung Hoa, hai chữ Hôn nhân 婚姻 vốn trước đây được viết không có bộ Nữ 女, bộ thủ này là do người đời sau thêm vào để nhằm giải thích rõ hơn ý nghĩa nội hàm của nó. Trịnh Huyền 鄭 玄, một học giả đờiHán 漢, khi chú thích sách Nghi Lễ 儀禮, thiên Sĩ Hôn Lễ 士 婚禮 đã viết:“ Sĩ thú thê chi lễ dĩ hôn vi kỳ. Nhân nhi danh yên 士娶妻之禮以昏為期因而名焉” (Lễ kết hôn của kẻ sĩ, lấy buổi hoàng hôn làm thời gian. Nhân đó mới đặt tên là Hôn). Hứa Thận 許慎, nhà văn tự, từ nguyên học cổ đại đời Hán 漢, khi soạn bộ Thuyết văn giải tự 說文解字, ngay tại mục chữ Hôn 婚, ông cũng cho rằng: “Thú phụ dĩ hôn thời, cố viết Hôn, tùng nữ tùng hôn 娶 婦 以 昏 時 故 曰 婚 從 女 從 昏…” (Lễ kết hôn lấy buổi hoàng hôn làm thời gian tổ chức nên gọi là Hôn, có chữ hôn và chữ nữ). 

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Lai căng?

                                                                               
                                                            Nguyễn Văn Tuấn
                                                          Theo FB Nguyễn Văn Tuấn

Đọc báo Việt Nam có nhiều khi làm người đọc như tôi cảm thấy … nhức mắt. Nhức mắt vì những chữ nữa Tây nữa Ta chẳng vào đâu cả. Chẳng hạn như mới đây rộ lên những chữ như “hotgirl”, “hotboy”, “teen girl”, “teen Việt”, “showbiz”, v.v. Những chữ mà ngay cả tôi (đang định cư ở nước nói tiếng Anh) cũng cảm thấy khó hiểu. Kho tàng ngữ vựng tiếng Việt cũng có những từ với ý nghĩa tương đương, nhưng tại sao giới báo chí không dùng, mà phải nhờ đến tiếng Anh? Tôi thật không hiểu nổi, nên phải ghi lại vài dòng gọi là … nhật kí.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

NGƯỜI VIỆT DÙNG TIẾNG VIỆT

Việt Nam đang ở vào thời buổi hội nhập, toàn cầu hóa có khác, tiếng Anh trở nên rất phổ biến, xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, bất kể có phù hợp với hoàn cảnh hay không.
Thế nên đôi khi trở thành “trớt quớt”, thậm chí gây tác dụng ngược. Nói có sách, mách có chứng, cách đây mấy hôm, tôi phải làm “phiên dịch” bất đắc dĩ cho một chị hàng xóm “kinh doanh” bún thịt nướng ở đầu hẻm nhà tôi.
Số là chị nhiệt tình tham dự một sự kiện được tổ chức để quyên góp giúp đỡ các bệnh nhi ung thư và cảm động ghê lắm khi nhận được một tấm thiệp cảm ơn từ Ban tổ chức vì thấy sự đóng góp của mình tuy chẳng đáng là bao nhưng cũng được ghi nhận một cách trân trọng.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (SỬA ĐỔI)

Ngày  28-11-2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) với 97% phiếu thuận.




HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM  (SỬA ĐỔI)
LỜI NÓI ĐẦU
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

BÀI VỊ ( soạn theo tài liệu thầy Huỳnh Chương Hưng)

ĐẢNG CSVN ĐƯỢC THÀNH LẬP NGÀY NÀO

Căn cứ vào Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản[1] củaa Nguyễn Ái Quốc (18-11-1930), thời gian bắt đầu họp Hội nghị là ngày 6-1-1930. Thời gian kết thúc Hội nghị không ghi rõ, mà chỉ biết ngày 8-2-1930 các đại biểu dự Hội nghị về nước. Thành phần dự Hội nghị ngoài Nguyễn Ái Quốc, có đại biểu của hai tổ chức Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng. Theo đó, Nguyễn Ái Quốc là người chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị, chứ không phải là “theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản”, hoặc “được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản”.
Tuy nhiên, vào thời điểm họp Đại hội lần thứ ba của Đảng (9-1960), các nhà nghiên cứu chưa được tiếp cận với Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc. Khi đó, phía Liên Xô cung cấp cho Việt Nam bài viết Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương của Hà Huy Tập với bút danh Hồng Thế Công đăng trên báo Bolsévick. Theo bài báo này, Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Trong khi một số đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng (Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Thiệu) lại không nhớ chính xác thời gian họp Hội nghị, Đại hội lần thứ III của Đảng đã ra Nghị quyết lấy ngày 3-2 dương lịch hàng năm “làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”. Từ đó, các sách đều viết Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930.
Điều đáng chú ý là, chính Hà Huy Tập, trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, có một mục riêng với tiêu đề “Hội nghị hợp nhất ngày 6-1-1930”, và cuối trang, ông có ghi chú thích, cải chính rằng Hội nghị hợp nhất họp ngày 6-1-1930.
Theo GS, TS Đỗ Quang Hưng, trong hồ sơ ký hiệu 405-154-676 của Quốc tế Cộng sản (bản báo cáo của Ban chỉ huy ở ngoài, bằng tiếng Pháp, gồm 8 trang chữ nhỏ, đề ngày 20-12-1934) có ghi: “giai cấp công nông và nhân dân lao động Việt Nam đã có hai tuần lễ đỏ trong nước từ ngày 6-1 (thành lập Đảng) đến ngày 21-1 (ngày mất của Lênin)…”[2].
Như vậy, phải khẳng định ngày họp Hội nghị thành lập Đảng là ngày 6-1-1930. Ngày 8-2-1930 các đại biểu dự Hội nghị về nước. Nhưng Hội nghị kết thúc vào ngày nào thì đến nay vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Mặc dù một số công trình nghiên cứu viết ngày 7-2-1930, nhưng hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Vào đúng ngày này Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo tóm tắt Hội nghị, và theo Hồi kí của Trịnh Đình Cửu thì “chiều ngày 7 tháng 2, ông Nguyễn làm một bữa tiệc liên hoan nhỏ để tiễn các đại biểu, các đồng chí, học trò của ông về nước”. Có ý kiến cho rằng, Hội nghị đã kết thúc từ ngày 3-2-1930, nhưng các đại biểu phải chờ đến ngày 8-2-1930 mới có tàu (mỗi tháng có hai chuyến từ Hồng Kông) về nước. Những thông tin này cho phép nghĩ đến việc kết thúc Hội nghị sớm hơn ngày 7-2-1930.



Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

MĂNG ĐEN KÝ SỰ




          Ngồi sau tay lái một thầy giáo, nhưng thuộc hàng đệ nhất đẳng lái xe, xuôi quốc lộ 24 từ Kon Tum trực chỉ Măng Đen (huyện Kon Plong, Kon Tum).
Ra khỏi thành phố chừng 15km, điểm gây ấn tượng đầu tiên là là Nhà thờ giáo xứ Kon Xơmluh, thuộc thôn Kon Xơmluh, xã Dak Tơre, huyện Kon Rẫy.  Nhà thờ mới khánh thành vào ngày 06.12.2011, rất nguy nga, vững chãi, toạ lạc trên một ngọn đồi thoáng đãng, được phỏng theo mô-típ nhà sàn dân tộc Tây Nguyên. Đẹp, nhưng không ăn nhập với cảnh quan. Cái vẻ lộng lẫy của nó càng làm nổi bật cái nghèo khó, lam lũ của những chiếc nhà sàn nhỏ bé, xộc xệch ở chung quanh. Anh “thầy lái xe” chỉ cho dừng lại chừng mươi phút, đủ “chộp” mấy kiểu ảnh, lại tiếp tục hành trình.


Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

LAN MAN HẠ VỀ



Lấn bấn mãi với những việc không tên, hôm nay mới có một buổi nghỉ trưa mà không liếc xéo đồng hồ. Bất chợt một tia nắng chiếu trực diện xuyên qua cửa. Nắng không vàng, không dịu, không kèm theo cơn gió nồm mát lịm mang hơi nước từ biển thổi vào như dạo mới xuân. Nắng gắt. Cây chiêu liêu trước cửa dồn hết sức bình sinh lên ngọn, nhưng lá vẫn ỉu xìu. Đích thị mùa hạ đã về.
Mang tiếng là ở phố, nhưng nhà tôi nằm dưới chân đồi, đủ không gian và điều kiện để cảm nhận một buổi trưa mùa hạ đầy chất thôn quê giữa chốn thị thành. Có tiếng gà trưa, tiếng cu gáy rền rĩ xa xăm, tiếng chào mào lảnh lót… Tự dưng, mấy câu thơ thời trung học bật lên trong “bộ nhớ” :
  Một buổi trưa không biết ở thời nào,
  Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
  Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ,  (Huy Cận)
Trưa mùa hạ thật dài. Những buổi trưa như thế, hồi còn ở quê, một thứ âm thanh “gây nghiện” với tôi là tiếng kẽo kẹt võng đưa hòa với lời hát ru của mẹ. Ra chốn thị thành, nhiều khi nhớ đến quay quắt thứ âm thanh quê mộc ấy. Không ít lần tôi vào trang Bình Định điện tử, nghe hát ru con cho đỡ cơn ghiền. Nhưng đó là giọng hát của các ca sĩ chuyên nghiệp, hát để biểu diễn, để nghiên cứu, nên… trật lất. Ám ảnh nhất trong hát ru Bình Định là mấy tiếng hời…hời hoặc  hờ hồ hời  mở đầu và kết thúc ở mỗi câu hát được ngân lên một cách tròn vành rõ chữ- điều không có ở các ca sĩ chuyên nghiệp.
Như một tặng phẩm quá bất ngờ, trưa nay bỗng vang lên:  
                         Hời… hời… Một mai ai chớ (ai) bỏ ai
                         Chỉ thêu nên gấm (là) sắc mài (kim) nên kim … hời hồ hời.
Thì ra, bà ngoại của cháu bé nhà hàng xóm từ quê mới vào, mang theo một “đặc sản” chưa hề “biến đổi gen” của nông thôn Bình Định. Lời hát thô mộc, tự nhiên, đủ sức lay động bất cứ ai đã từng sống ở thôn quê.  Những buổi trưa như thế tưởng đã qua, bỗng dưng hôm nay gặp lại.
Trong xu thế đô thị hóa tràn lan, nơi khu phố của  tôi vẫn còn nguyên những trưa hè mang đậm hồn cốt thôn quê. Chút A.Q trong tôi trỗi dậy: hóa ra mình lại gặp may. 

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

CỨU CÁNH


Promete - Gần đây, báo chí có xu hướng lạm dụng từ Hán -Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng đúng . Đặc biệt, từ "cứu cánh", 10 người viết, 9 người sai. Vậy, "cứu cánh" là gì? Sau đây là bài viết của Phan Văn Thạnh tại http://newvietart.com/index922.html

                                                                                                                      PHAN VĂN THẠNH


"CỨU CÁNH” – nghĩa gốc là gì ?

Gần đây trong các bản tin,bài viết (báo mạng,báo giấy) thi thoảng người đọc vẫn bắt gặp cách hiểu,cách dùng từ “cứu cánh” chưa ổn, dẫn đến ý diễn đạt không được xác định rõ - muốn hiểu phải suy đoán nhưng chưa chắc đã trúng ý tác giả …?!
Thí dụ :
-Báo điện tử Sgtt.com- ngày 26/9/2012 chạy tít : “Mạng xã hội: một cứu cánh của ngoại giao”– Mạng xã hội (Twitter,Facebook,Youtube…),là những công cụ ngoại giao ít tốn kém mà lại hiệu quả và dễ dàng trong nhiều mục đích khác nhau.Chẳng hạn như cập nhật thiên tai,thu thập thông tin và quản lí các mối quan hệ”…( ý nói mạng xã hội là phương tiện lợi hại hỗ trợ ngoại giao…)
- Sggp.org.vn - ngày 14/9/2012 viết: “Trung tâm quốc tế về kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học,đánh giá thuốc Heberprot-P là một cứu cánh cho các bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối”. - (ý muốn diễn đạt:thuốc Heperprot-P là phao cứu sinh của người bênh tiểu đường).
-Sggp.org.vn- ngày 12/01/2013 dẫn tiêu đề: “Nghị quyết 02/NQ-CP “cứu cánh” của doanh nghiệp bất động sản”. – (NQ 02 -(gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế), là cái sào thò ra giữa dòng cứu các doanh nghiệp đuối nước…)
Tiếng Pháp có câu La fin justifie les moyens thường được dịch ra Việt ngữ Cứu cánh biện minh cho phương tiện - hoặc những cách dịch khác : Mục đích biện minh cho phương tiện – Mục đích cuối cùng biện minh cho phương tiện – Kết quả biện minh cho phương tiện…- Pháp Việt Từ điển của Đào Đăng Vỹ giảng :“Để đạt mục đích phương tiện gì cũng tốt”.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

QUYỀN LẬP HIẾN VÀ TRƯNG CẦU DÂN Ý


Quyền lập hiến của nhân dân trước tiên phải là quyền được bầu chọn cơ quan soạn thảo và thông qua hiến pháp. Cơ quan đó có thể là Quốc hội Lập hiến hoặc Quốc hội thông thường, hoặc là một cơ quan lập hiến theo một mô hình nào đó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng cơ quan đó nhất thiết phải đại diện cho toàn thể nhân dân.”
Mai Thái Lĩnh

Ba năm trước đây, ông Nguyễn văn An – nguyên ủy viên Bộ chính trị (hai khóa 8 và 9), cựu Chủ tịch Quốc hội (2001-2006), đã lên tiếng đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam cho “Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp để đúng nghĩa là người chủ đất nước”. Ý kiến này đã dấy lên cả một làn sóng tuyên truyền trong giới trí thức để đòi thực hiện “quyền phúc quyết”. Tin tức mới nhất trong những ngày gần đây cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến tán thành đề nghị này.[1] 

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

TRANH BÙI XUÂN PHÁI MINH HỌA THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG

Đỏ tái mặt xem tranh Bùi Xuân Phái minh họa thơ Hồ Xuân Hương


Những ý thơ gợi tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được khắc họa sinh động qua nét bút phóng khoángcủa cố danh hoạ Việt Nam.

Đó là bộ tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương, được cố danh họa thực hiện từ năm 1982 đến 1986. Bộ tranh này hiện do người con trai của ông là họa sĩ Bùi Thanh Phương lưu giữ. Gầy đây, nhiều tác phẩm trong bộ tranh đã được giới thiệu trên mạng.




Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Tại sao lại là ngũ quả?


      Ngũ, con số 5 là con số chỉ trung tâm. Người ta tìm thấy nó ở ngăn giữa Lạc thư. Tự dạng chữ “ngũ” nguyên thể có hình chữ thập của bốn nguyên tố, cộng với điểm trung tâm. Sau này, hai vạch song song được chêm vào đấy, tức trời và đất mà giữa chúng, âm và dương tạo nên năm nguyên tố tương tác sinh khắc của vạn vật, gọi là ngũ hành. Theo quan niệm cổ đại phổ biến trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, thường cho rằng các quy luật phổ biến đều gộp vào con số 5. Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến mười hai nghĩa và một ngàn một trăm bốn mươi tám từ kép ghép với nó. Phổ biến, chúng ta có ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương), ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ kim, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc,… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật dâng cúng là quả.

      Đối với cư dân nông nghiệp ngũ cốc (đạo/nếp hương, lương/gạo, thúc/đậu, mạch/ lúa mì, tắc/kê) là lương thực chủ đạo và ngũ quả (trái cây nói chung) là thứ yếu. Do đó, theo Chiêm thư người ta thường quan sát sự tốt xấu của “ngũ quả” sau đây để dự đoán việc được mùa của ngũ cốc: 1) Mận chủ vào đậu; 2) Hạnh chủ về lúa mì; 3) Đào chủ vào tiểu mạch; 4) Lật (hạt dẻ) chủ vào nếp hương; 5) Tảo (táo) chủ vào lúa. Theo sự xác tín đã trở thành tập tục phổ biến trong dân gian nên có thể “ngũ quả” nêu trên là “chuẩn” của năm thứ quả dùng làm lễ vật bởi lẽ việc dâng lễ vật nào đều có thể là cách biểu thị sự cầu mong của người dâng lễ. Ở đây, đối với người nông dân thời cổ thì điều cầu mong lớn nhất là được mùa ngũ cốc.

    Quả (trái) - biểu tượng của sung túc. Trái cây nói chung là biểu tượng của sự sung túc, dồi dào. Vì quả thường chứa nhiều hạt được đồng nhất với quả trứng vũ trụ, biểu tượng cho mọi nguồn gốc, mọi sự khởi nguyên; biểu trưng quả (với hạt bên trong của nó) biểu thị cho sự phồn thực, sinh sôi và khao khát sự bất tử-hiểu theo nghĩa là sự nối truyền dòng giống miên viễn. Theo chiều hướng này, quả bao gồm cả ý nghĩa biểu trưng vượt lên trên nhịp điệu sinh tồn của vạn vật: sự xen kẽ luân hồi của sự sống và cái chết; giữa cuộc sống dưới đất (của hạt giống) và cuộc sống dương thế… Trong văn hoá, cụ thể là trong văn học và nghệ thuật tạo hình, quả vừa là biểu trưng chung vừa là biểu trưng có ý nghĩa riêng - hoặc theo sự đồng âm của nó hoặc nó được xác định bởi các tình tiết văn học truyền kỳ, thần tiên…
                                                                                                              Huỳnh Ngọc Trảng/SGTT


Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

LÌ XÌ ( trích)

                                                                                               
    Hạo Nhiên Nghiêm Toản Thiệu Văn Thị


    Trong dịp tết Nguyên Đán chúng ta thường có lệ đặt tiền vào chiếc phong bì vàng son rực rỡ, nho nhỏ, xinh xinh, để mừng tuổi trẻ em, tiền ấy ở miền nam gọi là tiền Lì xì. Ta tự hỏi Lì xì nghĩa là gì, viết ra sao và gốc ở đâu? Để trả lời, việc đầu tiên là phải biết âm «lì» ấy tương ứng với chữ Hán nào? vì ít ra ở vùng Chợ Lớn cũng có ba lối phát âm: Triều Châu - Phúc Kiến, Quảng Đông, và Phổ thông (Quan thoại).
    «Lì» hay /li/ tương ứng với âm Hán Việt lợi, tra chữ lợi (bộ đao ) trong Trung Văn Đại Từ Điển (quyển IV, cuối trang 277 đầu trang 278), ta được danh từ «lợi thị» 利市, đọc theo âm Quan thoại là /li-che/ (Viễn Đông Bác học viện của Pháp) và theo âm pinyin là /lishi/.
Từ ngữ «lợi thị» 利市(âm Hán Việt), tức /lishi/ (âm Phổ thông) mà người mình nói «lì xì», có ba nghĩa như sau:
a. Số lời thu được do mua bán mà ra;
b. Tốt lành, có lợi. Tháng Chạp ngày 24, khắp thị tỉnh (nhà quê, kẻ chợ) đều làm lễ rước Na (để khu trừ quỷ dữ), rước Na đến khắp mọi nhà cầu xin lợi thị (theo Đông Kinh mộng hoa lục).[1] Khi người phụ nữ lấy chồng về đến cửa, mọi người đi theo cũng như người nhà đều xin lợi thị (tiền hoặc đồ vật).
c. Vận tốt, vận may. Sách Bắc mộng toả ngôn rằng: «Khi Hạ Hầu Tư 夏侯孜 chưa gặp thời, còn luân lạc linh đinh, người ta gọi Tư là viên tú tài chẳng lợi thị.»
Tóm lại, trong cả ba trường hợp, lợi thị hay lì xì đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. vậy thì tiền lì xì, mừng tuổi, chính là thứ tiền đem lại cái hên, đều lành, điều tốt cho trẻ em trong dịp đầu năm.
Cũng có người cho rằng lì xì là do hai chữ Hán Việt lợi đích  利的 hay lợi thị  利是 đọc theo âm Quảng Đông, nhưng xét về cách dùng chữ và văn phạm, tôi thấy không thoả đáng chút nào, dẫu sao, tôi cũng cứ nêu ra đây để chờ các bậc đại phương chỉ giáo.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

KHÔNG ĐỀ


TRIẾT HỌC VÀ LỊCH SỬ


(Bài giảng của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại trường viết văn Nguyễn Du). 

Năm điều cơ bản của buổi học:
1. Sự tương quan giữa triết học và lịch sử.
2. Sự tồi tệ của nghị quyết và chính sách.
3. Sự cần thiết của mở rộng/ phá bỏ tư duy cũ.
4. Phát hiện lớn nhất của con người là Công Nghệ Sinh Đẻ.
5. Ta tạo ra chính mình.
GS,TSKH HỒ NGỌC ĐẠI

          Tôi xin nói ngay là, tôi nói điều tôi nói, còn tiếp nhận hay không là việc của các anh các chị.
          Thơ dù đề là “vô đề/ không đề” thì vẫn cứ là có đề. Vậy hôm nay bài giảng của tôi có đầu đề là “Triết học và lịch sử“.
          Có hai vấn đề tôi cho là cơ bản nhất trong các vấn đề cơ bản: triết học và lịch sử. Xin nhớ cho rằng, chúng ta không mày mò điều mà nhân loại đã đi qua. Ta sinh ra thế giới đã có sẵn, anh buộc phải chấp nhận những điều có sẵn đó. Và ta phải chịu quá nhiều sức ép. Dưới những sức ép không gì cưỡng lại đó, ta cứ ngỡ là mình được tự do.