Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

LÌ XÌ ( trích)

                                                                                               
    Hạo Nhiên Nghiêm Toản Thiệu Văn Thị


    Trong dịp tết Nguyên Đán chúng ta thường có lệ đặt tiền vào chiếc phong bì vàng son rực rỡ, nho nhỏ, xinh xinh, để mừng tuổi trẻ em, tiền ấy ở miền nam gọi là tiền Lì xì. Ta tự hỏi Lì xì nghĩa là gì, viết ra sao và gốc ở đâu? Để trả lời, việc đầu tiên là phải biết âm «lì» ấy tương ứng với chữ Hán nào? vì ít ra ở vùng Chợ Lớn cũng có ba lối phát âm: Triều Châu - Phúc Kiến, Quảng Đông, và Phổ thông (Quan thoại).
    «Lì» hay /li/ tương ứng với âm Hán Việt lợi, tra chữ lợi (bộ đao ) trong Trung Văn Đại Từ Điển (quyển IV, cuối trang 277 đầu trang 278), ta được danh từ «lợi thị» 利市, đọc theo âm Quan thoại là /li-che/ (Viễn Đông Bác học viện của Pháp) và theo âm pinyin là /lishi/.
Từ ngữ «lợi thị» 利市(âm Hán Việt), tức /lishi/ (âm Phổ thông) mà người mình nói «lì xì», có ba nghĩa như sau:
a. Số lời thu được do mua bán mà ra;
b. Tốt lành, có lợi. Tháng Chạp ngày 24, khắp thị tỉnh (nhà quê, kẻ chợ) đều làm lễ rước Na (để khu trừ quỷ dữ), rước Na đến khắp mọi nhà cầu xin lợi thị (theo Đông Kinh mộng hoa lục).[1] Khi người phụ nữ lấy chồng về đến cửa, mọi người đi theo cũng như người nhà đều xin lợi thị (tiền hoặc đồ vật).
c. Vận tốt, vận may. Sách Bắc mộng toả ngôn rằng: «Khi Hạ Hầu Tư 夏侯孜 chưa gặp thời, còn luân lạc linh đinh, người ta gọi Tư là viên tú tài chẳng lợi thị.»
Tóm lại, trong cả ba trường hợp, lợi thị hay lì xì đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. vậy thì tiền lì xì, mừng tuổi, chính là thứ tiền đem lại cái hên, đều lành, điều tốt cho trẻ em trong dịp đầu năm.
Cũng có người cho rằng lì xì là do hai chữ Hán Việt lợi đích  利的 hay lợi thị  利是 đọc theo âm Quảng Đông, nhưng xét về cách dùng chữ và văn phạm, tôi thấy không thoả đáng chút nào, dẫu sao, tôi cũng cứ nêu ra đây để chờ các bậc đại phương chỉ giáo.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

KHÔNG ĐỀ


TRIẾT HỌC VÀ LỊCH SỬ


(Bài giảng của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại trường viết văn Nguyễn Du). 

Năm điều cơ bản của buổi học:
1. Sự tương quan giữa triết học và lịch sử.
2. Sự tồi tệ của nghị quyết và chính sách.
3. Sự cần thiết của mở rộng/ phá bỏ tư duy cũ.
4. Phát hiện lớn nhất của con người là Công Nghệ Sinh Đẻ.
5. Ta tạo ra chính mình.
GS,TSKH HỒ NGỌC ĐẠI

          Tôi xin nói ngay là, tôi nói điều tôi nói, còn tiếp nhận hay không là việc của các anh các chị.
          Thơ dù đề là “vô đề/ không đề” thì vẫn cứ là có đề. Vậy hôm nay bài giảng của tôi có đầu đề là “Triết học và lịch sử“.
          Có hai vấn đề tôi cho là cơ bản nhất trong các vấn đề cơ bản: triết học và lịch sử. Xin nhớ cho rằng, chúng ta không mày mò điều mà nhân loại đã đi qua. Ta sinh ra thế giới đã có sẵn, anh buộc phải chấp nhận những điều có sẵn đó. Và ta phải chịu quá nhiều sức ép. Dưới những sức ép không gì cưỡng lại đó, ta cứ ngỡ là mình được tự do.