Ngũ, con số 5 là con số chỉ trung tâm. Người ta tìm thấy nó ở ngăn giữa Lạc thư. Tự dạng chữ “ngũ” nguyên thể có hình chữ thập của bốn nguyên tố, cộng với điểm trung tâm. Sau này, hai vạch song song được chêm vào đấy, tức trời và đất mà giữa chúng, âm và dương tạo nên năm nguyên tố tương tác sinh khắc của vạn vật, gọi là ngũ hành. Theo quan niệm cổ đại phổ biến trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, thường cho rằng các quy luật phổ biến đều gộp vào con số 5. Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến mười hai nghĩa và một ngàn một trăm bốn mươi tám từ kép ghép với nó. Phổ biến, chúng ta có ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương), ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ kim, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc,… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật dâng cúng là quả.
Đối với cư dân nông nghiệp ngũ cốc (đạo/nếp hương, lương/gạo, thúc/đậu, mạch/ lúa mì, tắc/kê) là lương thực chủ đạo và ngũ quả (trái cây nói chung) là thứ yếu. Do đó, theo Chiêm thư người ta thường quan sát sự tốt xấu của “ngũ quả” sau đây để dự đoán việc được mùa của ngũ cốc: 1) Mận chủ vào đậu; 2) Hạnh chủ về lúa mì; 3) Đào chủ vào tiểu mạch; 4) Lật (hạt dẻ) chủ vào nếp hương; 5) Tảo (táo) chủ vào lúa. Theo sự xác tín đã trở thành tập tục phổ biến trong dân gian nên có thể “ngũ quả” nêu trên là “chuẩn” của năm thứ quả dùng làm lễ vật bởi lẽ việc dâng lễ vật nào đều có thể là cách biểu thị sự cầu mong của người dâng lễ. Ở đây, đối với người nông dân thời cổ thì điều cầu mong lớn nhất là được mùa ngũ cốc.
Quả (trái) - biểu tượng của sung túc. Trái cây nói chung là biểu tượng của sự sung túc, dồi dào. Vì quả thường chứa nhiều hạt được đồng nhất với quả trứng vũ trụ, biểu tượng cho mọi nguồn gốc, mọi sự khởi nguyên; biểu trưng quả (với hạt bên trong của nó) biểu thị cho sự phồn thực, sinh sôi và khao khát sự bất tử-hiểu theo nghĩa là sự nối truyền dòng giống miên viễn. Theo chiều hướng này, quả bao gồm cả ý nghĩa biểu trưng vượt lên trên nhịp điệu sinh tồn của vạn vật: sự xen kẽ luân hồi của sự sống và cái chết; giữa cuộc sống dưới đất (của hạt giống) và cuộc sống dương thế… Trong văn hoá, cụ thể là trong văn học và nghệ thuật tạo hình, quả vừa là biểu trưng chung vừa là biểu trưng có ý nghĩa riêng - hoặc theo sự đồng âm của nó hoặc nó được xác định bởi các tình tiết văn học truyền kỳ, thần tiên…
Huỳnh Ngọc Trảng/SGTT