Lấn bấn mãi với những việc không tên, hôm nay mới có một buổi nghỉ trưa
mà không liếc xéo đồng hồ. Bất chợt một tia nắng chiếu trực diện xuyên qua cửa.
Nắng không vàng, không dịu, không kèm theo cơn gió nồm mát lịm mang hơi nước từ
biển thổi vào như dạo mới xuân. Nắng gắt. Cây chiêu liêu trước cửa dồn hết sức
bình sinh lên ngọn, nhưng lá vẫn ỉu xìu. Đích thị mùa hạ đã về.
Mang tiếng là ở phố, nhưng nhà tôi nằm dưới chân đồi, đủ không gian và
điều kiện để cảm nhận một buổi trưa mùa hạ đầy chất thôn quê giữa chốn thị
thành. Có tiếng gà trưa, tiếng cu gáy rền rĩ xa xăm, tiếng chào mào lảnh lót… Tự
dưng, mấy câu thơ thời trung học bật lên trong “bộ nhớ” :
Một buổi
trưa không biết ở thời nào,
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ, (Huy Cận)
Trưa mùa hạ thật
dài. Những buổi trưa như thế, hồi còn ở quê, một thứ âm thanh “gây nghiện” với
tôi là tiếng kẽo kẹt võng đưa hòa với lời hát ru của mẹ. Ra chốn thị thành, nhiều
khi nhớ đến quay quắt thứ âm thanh quê mộc ấy. Không ít lần tôi vào trang Bình
Định điện tử, nghe hát ru con cho đỡ cơn ghiền. Nhưng đó là giọng hát của các
ca sĩ chuyên nghiệp, hát để biểu diễn, để nghiên cứu, nên… trật lất. Ám ảnh nhất
trong hát ru Bình Định là mấy tiếng hời…hời
hoặc
hờ hồ hời mở đầu và kết thúc ở
mỗi câu hát được ngân lên một cách tròn vành rõ chữ- điều không có ở các ca sĩ
chuyên nghiệp.
Như một tặng phẩm quá bất ngờ, trưa nay bỗng vang lên:
Hời… hời… Một mai ai
chớ (ai) bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm (là) sắc mài (kim) nên kim
… hời hồ hời.
Thì ra, bà ngoại
của cháu bé nhà hàng xóm từ quê mới vào, mang theo một “đặc sản” chưa hề “biến
đổi gen” của nông thôn Bình Định. Lời hát thô mộc, tự nhiên, đủ sức lay động bất
cứ ai đã từng sống ở thôn quê. Những buổi
trưa như thế tưởng đã qua, bỗng dưng hôm nay gặp lại.
Trong xu thế đô thị hóa tràn lan, nơi khu phố của tôi vẫn còn nguyên những trưa hè mang đậm hồn
cốt thôn quê. Chút A.Q trong tôi trỗi dậy: hóa ra mình lại gặp may.