Ngồi sau tay lái một thầy giáo, nhưng
thuộc hàng đệ nhất đẳng lái xe, xuôi quốc lộ 24 từ Kon Tum trực chỉ Măng Đen
(huyện Kon Plong, Kon Tum).
Ra khỏi thành phố chừng 15km, điểm gây ấn tượng đầu tiên là
là Nhà thờ giáo xứ Kon Xơmluh, thuộc thôn Kon
Xơmluh, xã Dak Tơre, huyện Kon Rẫy. Nhà
thờ mới khánh thành vào ngày 06.12.2011, rất nguy nga, vững chãi, toạ lạc trên
một ngọn đồi thoáng đãng, được phỏng theo mô-típ nhà sàn dân tộc Tây Nguyên. Đẹp,
nhưng không ăn nhập với cảnh quan. Cái vẻ lộng lẫy của nó càng làm nổi bật cái
nghèo khó, lam lũ của những chiếc nhà sàn nhỏ bé, xộc xệch ở chung quanh. Anh
“thầy lái xe” chỉ cho dừng lại chừng mươi phút, đủ “chộp” mấy kiểu ảnh, lại tiếp
tục hành trình.
Quốc lộ 24 nối liền
Quảng Ngãi và Kon Tum chạy qua các huyện miền núi của hai tỉnh này. Có lẽ vì vậy
mà vắng xe. Dọc đường, trừ thị trấn Dak Rve (Kon Rẫy), còn lại, dân cư thưa thớt,
bản làng nhỏ bé nấp dưới những cánh rừng già may mắn chưa có bàn tay lâm tặc sờ
đến. Qua thị trấn Dak Rve, khí hậu mát dần, báo hiệu đã đến đèo Măng Đen. Đường
đèo uốn lượn thách thức tay nghề tài xế. Đỉnh đèo được ví là cổng trời. Từ “cổng
trời” nhìn xuống chân đèo chợt nhớ Bà Huyện Thanh Quan: “Lác đác bên sông rợ mấy
nhà”. Xuống đèo, bỗng hiện ra một vùng đất bằng phẳng như tên gọi của nó T’Măng
Deeng (tiếng Mơ Nâm, nghĩa là rộng, bằng phẳng) mà giờ đọc chệch là Măng Đen. Về
phân cấp hành chính, Măng Đen chỉ là một cái thôn. Vùng đất này nằm ở độ cao
trên 1000 mét, nhiệt độ thường không vượt quá 22 độ, được mệnh danh là “ĐàLạt
thứ hai”. 5 giờ chiều. Vẫn nắng, mà cảm giác hơi sương phả khắp người, lạnh se
se.
Trung tâm huyện Kon Plong
mới xây dựng sau năm 2002, nằm ở thôn Măng Đen. Từ trên đỉnh đèo, dẫn vào thôn
là một con đường rợp bóng thông với những tòa biệt thự nằm thẳng hàng, sang trọng.
Người ta nói vui nhưng không sai: Đây là thôn giàu nhất nước vì có đến hơn 160
căn biệt thự ! Có điều, nó đang đóng cửa im lìm, vì đây là của các đại gia lắm
của thừa tiền đến đây xây rồi để đó, chưa ở. Nhìn dãy biệt thự đầy cao ngạo, mình bỗng chạnh
lòng. Trên đất nước này, ở đâu cũng vậy, khi còn hoang vu, rắn rết, chiến tranh…
thì người dân địa phương bám đất, bám làng. Mồ hôi và máu của họ đổ xuống cho đất
được yên, cho cây đơm hoa kết quả. Đến khi trở thành khu nọ, khu kia, người địa
phương (nghèo) bị đẩy ra khỏi đất, khỏi làng. Họ trở thành người xa lạ trên
chính quê hương mình. Nay mai, thôn Măng Đen
này trở thành khu du lịch quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ, khu biệt thự kia sẽ kín cổng cao tường, sống trong đó là những trọc phú. Một
đứa trẻ người địa phương, mà cha ông của nó đã từng đổ mồ hôi, xương máu ở đây,
đi ngang qua, biết đâu sẽ bị chó béc-giê của những trọc phú kia chạy ra xé xác
như người mót cà-phê ở Buôn Ma Thuột năm nào. Rồi họ quẳng ra một mớ tiền gọi
là “đền bù nhân mạng”. Có thể lắm chứ.
Nhưng thôi, đấy chỉ là
cái tưởng tượng đầy tiêu cực của mình. Giờ trở về hiện tại.
Qua khỏi khu biệt thự là
vào trung tâm huyện. Công sở đẹp, đường sá khang trang, nhà dân thưa thớt. Lòng
vòng qua mấy cung đường là đến nhà anh “thầy tài xế”. Vào nhà chưa kịp hôn vợ,
anh vội lên xe làm nhiệm vụ hướng dẫn viên du lịch cho mình, để cô vợ trẻ ngơ
ngác nhìn theo.
Điểm đến đầu tiên là Tượng Đức Mẹ Măng Đen
Đây là bức tượng được dựng
từ năm 1971, cạnh tiền đồn Măng Đen lúc bấy giờ. Sau năm 1975, tượng bị lãng quên nằm trong rừng
sâu. Năm 2004, khi thi công tuyến quốc lộ 24 nối dài, mới phát hiện ra, lúc này
tượng đã bị mất phần đầu và hai bàn tay. Một người làm đường là tín đồ công
giáo phục dựng phần bị mất, nhưng chỉ được phần đầu. Đôi bàn tay cứ đắp lên là
rớt xuống. Vì vậy, có lẽ đây là tượng Đức Mẹ cụt tay duy nhất trên thế giới. Tượng
cao khoảng 1 mét, dựng trên trụ đá đơn sơ, nằm trong rừng thông già thâm u, trầm
mặc. Thế nhưng, hằng năm, ngày 9.12, đây là một điểm hành hương của người Công
giáo. Thường ngày, người các nơi về đây chiêm bái cũng rất đông. Chung quanh tượng
là một rừng ghế đá của những người cầu nguyện được linh ứng mang đến tạ ơn. Nhìn
địa chỉ ghi trên ghế mới biết người đến đây cầu nguyện từ rất nhiều tỉnh, thành
trên cả nước.
Rừng chiều yên tĩnh, Đức
Mẹ nét mặt đượm buồn với hai cánh tay cụt đưa ra phía trước, đầu hơi cúi, tạo cảm
giác sầu bi vô cùng nhân thế. Không biết ai có cảm giác an lành khi cầu Đức Mẹ,
còn mình thì thấy buồn buồn, nghĩ đến một thời khói lửa. Tai họa chiến tranh
không từ bất cứ một ai, kể cả đấng tối cao. 20 năm chinh chiến, 3 triệu người
Việt Nam
ngã xuống. Sau cuộc chiến, những người mất đi một phần thân thể như Đức Mẹ càng
vất vả trong cuộc mưu sinh. “Phía ta” còn đỡ, vì còn có chính sách. Còn “phe địch”…
Nên chăng cũng có chính sách gì đó. Cùng nạn nhân, cùng máu đỏ da vàng cả thôi
mà !
Tạm biệt Đức Mẹ, sau khi
qua cây cầu dây văng lệch nhịp duy nhất miền Trung, Tây Nguyên; chúng tôi đến
“đệ nhất kỳ quan”: thác Ba Sỹ. Nói đến thác, người ta thường nghĩ đến sự hùng
vĩ, những cột nước tung bờm, những âm thanh ầm ào gầm thét. Với thác Ba Sỹ thì
không. Nước chẳng tung bờm mà nhẹ nhàng xuôi theo vách đá. Tiếng nước chảy cũng
không to, đủ yên tĩnh để nghe chim hót, côn trùng kêu rỉ rả. Thác chảy vào một
con suối nhỏ. Dọc suối là những căn chòi
dành cho du khách. Khu du lịch thác Ba Sỹ đang xây dựng, chưa sử dụng mà đã thấy
dấu ấn của sự tàn phá do con người. Mai sau rồi biết thế nào !
Rời thác, quay lại đường
cũ ghé hồ Toong Đam. Đây là hồ rộng nhất trong bảy hồ ở Măng Đen. Chuyện kể rằng,
ngày xưa, lúc người làng Đam đang mở đường lên rẫy, một con heo bất ngờ chạy
ngang qua. Người ta bắt heo về nuôi. Một cụ già đến xem, nhưng cụ chẳng thấy
heo đâu mà là một con rắn to đang ở trong chuồng. Cụ bảo thả ra, vì đây là heo
thần. Dân làng không nghe, còn mổ thịt ăn mừng cho con đường mới mở. Lúc cả
làng đang vui, thì xuất hiện một đôi trai gái. Chàng trai cảnh báo mọi người đừng
ăn, vì đó không phải thịt heo mà thịt người. Rồi chàng khóc, nước mắt tràn như
suối. Cô gái theo dân làng gùi nước, về đến nơi trượt ngã. Nước từ ống lồ ô
nàng gùi đổ ra hòa cùng nước mắt chàng trai. Nước làm nhão lún cả một vùng. Liền
đó, trời rung chuyển, mưa gió bão bùng. Toàn bộ làng Đam sụp xuống thành một
cái hồ. Đó là hồ Toong Đam.
Hồ nằm
giữa khu rừng già cao vút. Hơi lạnh từ rừng tỏa xuống, mặt nước bốc lên , không
khí trong lành, du khách thấy lòng nhẹ nhõm và thư thái.
Mặt trời sắp lặn, anh “thầy lái xe”
kiêm hướng dẫn viên du lịch vội đưa mình đến chùa Khánh Lâm. Vì dân “thổ địa”,
nên anh đi bằng con đường tắt qua một đồi sim “tím cả chiều hoang”. Chùa đang
xây dựng, các hạng mục dở dang, chỉ có tượng Phật Quan Âm là đã hoàn thành. Ấn
tượng nhất là những cây cột gỗ mít lấy từ rừng già Măng Cành to bằng đúng một vòng tay. Công trường
còn ngổn ngang, nhưng hứa hẹn một danh
lam, điểm nhấn của du lịch Măng Đen. Chợt nghĩ, người Việt mình sống ở đâu,
chùa mọc lên ở đó. Chùa Việt có ở Trường Sa, ra cả nước ngoài : Thái Lan, Ấn Độ,
Hoa Kỳ… Nhưng Phật tại tâm là chính. Sợ sau này chuyện kinh doanh thần thánh lại
diễn ra như thường thấy ở các khu du lịch.
Tối. Quay về. Cảm nhận rất rõ đêm ở
nơi có độ cao trên nghìn mét. Hơi mát mơn man “làn da châu Á, lai Phi” của mình
rất dễ chịu. Bữa cơm “đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” nhất nước bày ra: thịt
sơn dương tươi roi rói, không tẩm ướp, nướng bếp than, chấm muối ớt. Ngọn bí luộc
ngắt ngoài vườn. Rượu gao lấy từ nhà hàng xóm. Thêm hai anh giáo tửu lượng thường
thường bậc trung. Chủ nhà hiếu khách. “Nội tướng” lại dân xứ Nẫu chính hiệu con
nai vàng, mời khách thật “dỡ thương” (dễ thương), không xã giao, kiểu cách. Làm
sao mà không say được ! Tàn cuộc, cả “hội” bách bộ xuống công viên trung tâm
huyện. Vắng ngắt. Đèn cao áp được bọc bởi một lớp sương mù lãng đãng trông như
đang nhả khói. Về nhà, men rượu sớm đưa mình vào giấc ngủ. 5 giờ sáng, “lẻn” chủ
nhà mở cửa ra ngoài. Sương sớm giăng đầy, che cả núi rừng. Đi trong hơi lạnh
sương mù thật là thú vị. Một thứ âm thanh tưởng chừng chỉ còn trong ký ức bỗng
vang lên: quạ, quạ… Quê mình trước cũng nhiều quạ. Hồi đó, cứ mỗi lần đi chơi,
thấy quạ chao lượn phía gần nhà là phải chạy về, túc túc đàn gà vào sân, để khỏi
bị quạ gắp. Gà mẹ nghe tiếng quạ kêu, gọi con lại, giơ đôi cánh ôm gọn chúng
vào lòng. Đâu chỉ có con người mới có tình mẫu tử. Nhưng không biết vì sao, quạ
thưa dần, rồi mất hẳn. Hiện nay, nói như dân quê mình “kiếm một con làm thuốc
cũng không ra”. Mình ra thành phố, tiếng
quạ chỉ còn trong nỗi nhớ quê. Sáng nay bỗng dưng nghe lại. Mình cứ thế lang
thang với ký ức tuổi thơ đang sống dậy.
Sau bữa cà-phê sáng, anh “thầy lái xe”
đưa mình đến một làng bà con dân tộc. Đường đi giữa rừng già. Rừng thâm u, cao
vút. Bản làng nho nhỏ ẩn hiện dưới chân rừng. Ghé thăm một nhà. Mình rất đỗi ngạc
nhiên, đến nỗi phải hỏi lại “anh thầy” có phải là nhà hay không, vì bên trong
trống huơ trống hoác, chẳng có gì chứng tỏ đây là nơi sống của một gia đình. Tự
hỏi: đây là cư dân của nơi sẽ là khu du lịch quốc gia đấy sao ? Mai này họ có
khá hơn ? Hình ảnh con chó béc-giê mình tưởng tượng bên trên lại hiện về.
Đang suy nghĩ lan man, anh “thầy lái
xe” nhắc đã sắp đến giờ hẹn với xe về Kon Tum. Quay về trong luyến tiếc. Vậy là
phải hẹn với Măng Đen, còn nhiều nơi chưa đến. Nhưng mừng, vì mình đến kịp lúc
Măng Đen chưa bị túi tiền của những người làm du lịch tàn phá. Măng Đen vẫn là
sơn nữ thuần phác, đẹp không son phấn. Mai này, khi nó có cái tên mỹ miều “khu
du lịch quốc gia”, nhưng chỉ là cô gái đẹp do dao kéo, son phấn loẹt lòe. Chán.
9.30 chiếc xe khách đến tận nhà đưa
mình về lại Kon Tum. Tạm biệt Măng Đen trong niềm luyến tiếc không mang được
chút gió sương nào về tặng người Quy Nhơn. Ghi lại mấy dòng thay cho quà tặng.
Có điều viết trong tâm trạng không vui, nên “món quà” phảng phất nỗi buồn. Nếu có làm người nhận có buồn lây, xin đại xá.
Quy Nhơn, hè 2013
măng đen đi dễ khó về
Trả lờiXóaMình cũng đã đến Măng Đen. đẹp như bạn viết
Trả lờiXóa