Tô Văn Trường Trong bất kỳ thể chế và mô hình chế độ xã hội nào, sự trì kéo nền văn minh và ngáng trở mọi sự phát triển của xã hội là bệnh nói dối. Có ý kiến cho rằng sự giả dối nảy nở ngay từ trong phong trào thi đua mà sai động cơ, chạy theo thành tích. Tiếp đến là sự phát triển với những bài bản và thủ đoạn mới hơn kể từ khi những người có
trách nhiệm tiếp xúc với kinh tế thị trường, không biết cách quản lý, sản xuất đình trệ, sa sút, đất nước nghèo đi, sợ mang tiếng nên mới sinh ra bệnh nói dối, dưới nói dối trên, trên nói dối dân!
Trước hết, nói dối là biểu hiện chủ nghĩa cá nhân ngay từ trong nhân cách và tư duy, hậu quả của nền giáo dục – đào tạo. Thể chế đã vẽ đường và cơ chế đi kèm cung cách quản lý, điều hành thiếu minh bạch đã phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng các kiểu, các tầm mức nói dối. Nói dối ngoài đời, nói dối trong làm ăn, ký kết hợp đồng, trong sản xuất, đời sống, trong báo cáo thành tích, lẩn tránh khuyết điểm và thậm chí cả trong nghị quyết, kế hoạch công tác.
Ở nước ta, bây giờ giả dối đang thịnh hành ở khắp mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Các bản báo cáo thành tích có được bao nhiêu phần trăm là sự thật? Các danh hiệu, huân chương có đúng thực chất? Các tổ chức Đảng được công nhận là trong sạch vững mạnh có chứa chấp bọn tham nhũng? Quản lý, tiêu xài thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân nhưng vẫn “luồn lách” báo cáo có lãi đến khi đổ đốn, vỡ nợ mới đổ lỗi dối trá cho nhau. Những người luôn rao giảng các tín điều cao cả có thực sự tin vào những điều mình nói? Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của ta có đúng là vạn lần hơn dân chủ tư sản như đã khẳng định? Thi đua là có ăn thua, muốn ăn (thắng) phải nói láo thành tích. Ai cũng nói láo thành tích thì ai dám phê ai. Thành tật rồi. Người lớn nói láo, trẻ con biết, nói theo thành nếp sống. Vốn xã hội vơi đi là vậy. Bây giờ có ai nói thật không? Người có tự trọng thì làm thinh chớ không nói dối, tuy vậy là hèn, nhưng hèn còn hơn nói dối. Dân biết cán bộ nói dối mà không dám nói. Chết! Vậy là nói dối thống trị chứ sao. Có người, nhất là trí thức trong guồng máy lúc đầu cũng có tự trọng, nhưng càng tự trong càng thiệt thòi hoặc thiệt hai vậy mấy ai cầm lòng được. Nhưng có người nói dối gây hại, có người nói dối để yên thân.
Trong thời đại tin học, người dân được biết sự giả dối không phải do tiếp xúc với kinh tế thị trường. Tôi rất tâm đắc với câu nói của người đời:”Ta dùng con dao sắc bị đứt tay thì lỗi không phải ở con dao”. Thực tế không thể phủ nhận rằng nhiều nước trên thế giới theo kinh tế thị trường nhưng xã hội vẫn lành mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Tập quán giả dối đặc biệt ăn sâu ở các cơ quan liên quan tới tài chính. Chúng ta ai cũng biết nếu “mổ xẻ” lương tối thiểu theo khu vực được công bố sẽ thấy cái nghịch lý của các chính sách tài chính ở ViệtNam. Họ thừa biết mức lương tối thiểu ấy không thể đủ sống, nhưng không thể cân đối ra nguồn thì đành cân đối trên cái họ có thể tính. Đó cũng là cách tính của chế độ tập trung bao cấp. Quốc tế chưa công nhận ViệtNamcó nền kinh tế thị trường một phần cũng là vì thế.
Lo lắng nhất là tệ dối trá tiêm nhiễm trong giáo dục, ngay từ các lớp tiểu học, do bệnh chạy theo thành tích của các thầy cô. Bé mà đã gian dối mà là gian dối có sự chỉ bảo hoặc dung túng của thầy cô thì khi lớn lên làm sao thành người lao động trung thực được. Đã có nhiều ý kiến nên bỏ cách thi đua đẻ ra bệnh thành tích ở các trường như hiện nay nhưng chỉ vì “cái ghế”, danh hão và lợi ích nhóm, giới hữu trách vẫn còn bỏ ngoài tai.
Ngay trong giới khoa học, để thích nghi và tồn tại người ta cũng phải nói dối. Tôi nhớ có lần trong cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mặt lãnh đạo Bộ, GS TS Nguyễn Văn Biên – Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam – đã thẳng thắn, công khai phát biểu đại ý như sau:”Viện chúng tôi dành thời gian và công sức để làm công tác chuyên môn và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học không lúc nào được toàn tâm, toàn ý chỉ vì phải lo đối phó với các quy chế bất hợp lý của chế độ tài chính. Nếu cứ thực hiện đúng theo quy định chẳng ai muốn làm vì rất nhiêu khê và không khuyến khích người lao động. Để tồn tại, và chịu trách nhiệm tập thể khi quyết toán và kiểm toán, chúng tôi phải họp Đảng ủy và Ban giám đốc Viện ra nghị quyết nói dối!”. Cả hội trường nghe tâm sự rất thật lòng của Gs Biên thật hài hước và bức xúc vì cái gọi là “cơ chế tài chính” nó làm méo mó cả những người làm công tác khoa học, một lĩnh vực luôn đòi hỏi phaỉ minh chứng sản phẩm nghiên cứu bằng định lượng chứ không phải định tính!
Anh Bảy Nhị, hồi những năm 1990, khi còn làm Phó Chủ tịch tỉnh An Giang phụ trách nông nghiệp, trong lần duyệt dự toán đào kênh cấp II huyện Châu Phú, trong hồ sơ dự toán 12.000 đồng/m3 nhưng anh Bảy chỉ duyệt 6.000 đồng/m3, bởi vì trước đó anh đã đến tận nơi khảo sát hỏi dân và các chủ xáng cạp. Nhưng cán bộ kế hoạch hiểu nỗi khó của người thực hiện, đề xuất 8.000 đồng/m3. Để dung hòa, anh Bảy duyệt 7.000 đồng/m3. Thực tình, anh Bảy không “ác”, nhưng phải du dzi vì biết chủ xáng phải cống nạp nhiều chỗ, kể cả xã, ấp hưởng lợi từ công trình và lo khâu thanh toán, giải ngân. Nhiều công trình khác cũng phức tạp hơn, rốt cuộc chủ thầu không rút ruột công trình thì chỉ có điên mới làm, nếu anh dự toán đúng, kể cả lãi định mức và trượt giá (nếu có) cũng được tính đủ. Có lần buồn quá, nhìn rộng ra trên toàn quốc, anh Bảy tâm sự với bạn hữu “Những công trình hư hao, những lổ lã của các công ty nhà nước… tổng của nó bằng tổng tài sản của các quan cộng lại!”.
Câu khẩu hiệu “phải sạch từ cơ sở, từ người dân lên!”. Câu này để hiệu triệu chơi thì được. Dân nào mà không muốn sạch? Cũng như dân Nhật Bản không phải chỉ có kêu gọi và một nền giáo dục đặc sệt “phổ thông” mà họ thánh thiện như đã tỏ rõ bằng thái độ và hành xử trong và sau vụ động đất – sóng thần mới gần đây.
Nói tóm lại: Nói dối, đơn giản là nói sai sự thật. Nguyên nhân vì nói thật có hại cho người nói. Sứ mệnh cao cả của nhà báo ở bất cứ chế độ nào cũng phải tôn trọng sự thật. Thật trớ trêu, có nhà báo ở Việt Nam phải cay đắng công khai thừa nhận: “Nhiều người cầm bút giờ còn bi kịch hơn khi hàng ngày phải viết những điều không giống với sự thật… hàng ngày, dù không tin nhưng vẫn phải viết ra một điều không thật một cách khéo léo đến dối trá để thuyết phục người đọc tin rằng đó là sự thật”.
Nói dối trong bất cứ lĩnh vực nào đều là biểu hiện sự xuống cấp của xã hội nhưng cái nói dối trong chính sự còn tệ hại hơn nhiều. Chúng ta đừng quên rằng cựu Thủ tướng Nga thời đầu cải tổ Rưgiơcốp, lý giải sự sụp đổ của Liên Xô, đã nêu ra lý do đầu tiên là “do xã hội Xô Viết một thời gian dài đã được xây dựng trên sự GIẢ DỐI”!
T.V.T.
Nguồn: Bauxit VietNam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không có tài khoản Google hoặc không muốn đăng nhập, hãy chọn ""ẩn danh"" trong mục "nhận xét với tên"