Một góc thị trấn Ngô Mây (Phù Cát, Bình Định), Ảnh LVL
Khoảng gần trưa ngày 29-3-1975, một cột khói đen ngòm cất lên trụ sở Ủy ban hành chính quận Phù Cát kèm theo một tiếng nổ long trời. Máy bay của chế độ Sài Gòn ném bom phá hủy trụ sở quận sau khi chính quyền tháo chạy.Lúc đó, tôi đang học lớp 7 trường Trung học Phù Cát ( nay là THPT Phù Cát I ). Cũng nên kể một chút những hiểu biết về cách mạng của một bộ phận thanh, thiếu niên hồi ấy. Lúc bấy giờ, những thanh thiếu niên sống ở vùng do chế độ Sài Gòn kiểm soát, ngoài con em gia đình cách mạng, còn lại đều hiểu “Việt cộng” qua lăng kính bộ máy tuyên truyền của chế độ Sài Gòn. Với tôi, “Việt cộng” là những người hiếu chiến, chỉ biết chém giết; là những người sống trên rừng, thiếu ăn, gầy gò, “bảy thằng Việt cộng đeo trên tàu đu đủ không gãy” v.v… Vì vậy, trong những ngày tháng 3 (1975) tin thất bại của quân đội Sài Gòn từ Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng… dội về , cùng với những lời đồn đoán theo kiểu “Việt cộng về đây sẽ xảy ra cuộc tắm máu”, “Việt cộng sẽ xỏ xâu những người nào có dính líu đến chế độ Sài Gòn ném xuống biển”, “ ai để móng tay dài sẽ bị họ dùng kiềm rút hết”… làm tôi hoang mang cực độ, dù mình không thuộc đối tượng nào trong số đó. Còn suy nghĩ, bao nhiêu năm học hành vứt hết ( hồi ấy ở quê tôi những người học đến lớp 7 không nhiều), vì Việt cộng đâu cần chữ nghĩa.
Thế nhưng, sau tiếng bom khủng khiếp ấy, tịnh không thấy một “tên Việt cộng” nào bén mảng. Mãi mấy hôm sau mới được thông báo toàn thể bà con trong thôn đi dự lễ ra mắt chính quyền cách mạng. Với những hiểu biết về “Việt cộng” như trên, tôi hình dung cán bộ cách mạng phải là những người dữ dằn, hung tợn, hét ra lửa. Nhưng khi “tận mục sở thị” chính quyền cách mạng thì thật là ngạc nhiên, họ không ai khác là người thầy giáo làng yêu kính của tôi, là các chú, các bác ngày nào mình cũng gặp. Quái lạ ! Họ là “ Việt cộng” đấy sao ? Thế thì có gì là đáng sợ. Bộ đội thì rất hiền, hơi ngớ ngẩn, lại rất thích cà-rem, thấy gì cũng hỏi…
Rồi bắt đầu nhập cuộc. Tôi trở lại trường trong sự lạ lẫm, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác..
Trước hết là ngạc nhiên về giáo viên. Thầy, cô sao chẳng thấy veston, cravat, giày da, áo dài, xe máy Vespa … mà lại toàn sơ mi thường ngày, áo bà ba, dép cao su, đi bộ hoặc xe đạp đến trường. Nhưng tác phong thì rất gần gũi. Thầy, cô cùng đi lao động, cùng ăn cơm nắm với học sinh. Lạ ! Nhưng vui nhất là chuyện từ ngữ trong nhà trường. Hôm đầu tiên chép thời khóa biểu thấy có môn Ngữ pháp, cứ tưởng là học tiếng Pháp, hóa ra khi học lại là môn Văn phạm. Còn môn Vạn vật lại gọi là Sinh vật. Thầy dặn ngày mai sẽ kiểm tra miệng, tối về tôi đã đánh răng, súc miệng hết 1/3 ống kem Hynos vì cứ ngỡ là kiểm tra vệ sinh, té ra lại là chuyện dò bài.
Mới đấy mà đã 37 năm. Giờ nghĩ lại cảm thấy buồn cười, trở thành kỷ niệm vui vui về những ngày đầu giải phóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không có tài khoản Google hoặc không muốn đăng nhập, hãy chọn ""ẩn danh"" trong mục "nhận xét với tên"