Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

VĂN HOÁ HÔN NHÂN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TỪ NGUYÊN HỌC VĂN HOÁ

                                                                                         ThS. Võ Minh Hải
                                                                         (GV, Khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn)


Theo Lễ kinh 禮經, hôn nhân là một trong 04 nghi lễ quan trọng của đời người. Đó là Quan, Hôn, Tang, Tế. Quán 冠 là lễ gia quan (đội mũ), biểu thị sự trưởng thành của nam nhân, bởi lẽ ngày xưa con trai hai mươi tuổi thì phải làm lễ đội mũ. Vì thế, theo Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển, con trai trong hai mươi tuổi còn gọi là nhược quan 弱冠.Hôn 婚 (tức nghi lễ thành gia lập thất, duy trì lễ pháp tông đường), Tang 喪 là nghi lễ kết thúc chu trình vòng đời một con người và Tế 祭 là nghi lễ tôn thiên kính địa, lễ bái tiền nhân, tổ tiên của dòng họ, đây là một sự việc cực kỳ trọng đại và liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh của con người. Trong chu trình của một đời người, 04 nghi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của con người xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu và lý giải nguồn gốc nghi lễ thứ hai của hai từ góc độ từ nguyên văn hoá.
Trong văn tự cổ Trung Hoa, hai chữ Hôn nhân 婚姻 vốn trước đây được viết không có bộ Nữ 女, bộ thủ này là do người đời sau thêm vào để nhằm giải thích rõ hơn ý nghĩa nội hàm của nó. Trịnh Huyền 鄭 玄, một học giả đờiHán 漢, khi chú thích sách Nghi Lễ 儀禮, thiên Sĩ Hôn Lễ 士 婚禮 đã viết:“ Sĩ thú thê chi lễ dĩ hôn vi kỳ. Nhân nhi danh yên 士娶妻之禮以昏為期因而名焉” (Lễ kết hôn của kẻ sĩ, lấy buổi hoàng hôn làm thời gian. Nhân đó mới đặt tên là Hôn). Hứa Thận 許慎, nhà văn tự, từ nguyên học cổ đại đời Hán 漢, khi soạn bộ Thuyết văn giải tự 說文解字, ngay tại mục chữ Hôn 婚, ông cũng cho rằng: “Thú phụ dĩ hôn thời, cố viết Hôn, tùng nữ tùng hôn 娶 婦 以 昏 時 故 曰 婚 從 女 從 昏…” (Lễ kết hôn lấy buổi hoàng hôn làm thời gian tổ chức nên gọi là Hôn, có chữ hôn và chữ nữ).