Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

LAN MAN HẠ VỀ



Lấn bấn mãi với những việc không tên, hôm nay mới có một buổi nghỉ trưa mà không liếc xéo đồng hồ. Bất chợt một tia nắng chiếu trực diện xuyên qua cửa. Nắng không vàng, không dịu, không kèm theo cơn gió nồm mát lịm mang hơi nước từ biển thổi vào như dạo mới xuân. Nắng gắt. Cây chiêu liêu trước cửa dồn hết sức bình sinh lên ngọn, nhưng lá vẫn ỉu xìu. Đích thị mùa hạ đã về.
Mang tiếng là ở phố, nhưng nhà tôi nằm dưới chân đồi, đủ không gian và điều kiện để cảm nhận một buổi trưa mùa hạ đầy chất thôn quê giữa chốn thị thành. Có tiếng gà trưa, tiếng cu gáy rền rĩ xa xăm, tiếng chào mào lảnh lót… Tự dưng, mấy câu thơ thời trung học bật lên trong “bộ nhớ” :
  Một buổi trưa không biết ở thời nào,
  Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
  Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ,  (Huy Cận)
Trưa mùa hạ thật dài. Những buổi trưa như thế, hồi còn ở quê, một thứ âm thanh “gây nghiện” với tôi là tiếng kẽo kẹt võng đưa hòa với lời hát ru của mẹ. Ra chốn thị thành, nhiều khi nhớ đến quay quắt thứ âm thanh quê mộc ấy. Không ít lần tôi vào trang Bình Định điện tử, nghe hát ru con cho đỡ cơn ghiền. Nhưng đó là giọng hát của các ca sĩ chuyên nghiệp, hát để biểu diễn, để nghiên cứu, nên… trật lất. Ám ảnh nhất trong hát ru Bình Định là mấy tiếng hời…hời hoặc  hờ hồ hời  mở đầu và kết thúc ở mỗi câu hát được ngân lên một cách tròn vành rõ chữ- điều không có ở các ca sĩ chuyên nghiệp.
Như một tặng phẩm quá bất ngờ, trưa nay bỗng vang lên:  
                         Hời… hời… Một mai ai chớ (ai) bỏ ai
                         Chỉ thêu nên gấm (là) sắc mài (kim) nên kim … hời hồ hời.
Thì ra, bà ngoại của cháu bé nhà hàng xóm từ quê mới vào, mang theo một “đặc sản” chưa hề “biến đổi gen” của nông thôn Bình Định. Lời hát thô mộc, tự nhiên, đủ sức lay động bất cứ ai đã từng sống ở thôn quê.  Những buổi trưa như thế tưởng đã qua, bỗng dưng hôm nay gặp lại.
Trong xu thế đô thị hóa tràn lan, nơi khu phố của  tôi vẫn còn nguyên những trưa hè mang đậm hồn cốt thôn quê. Chút A.Q trong tôi trỗi dậy: hóa ra mình lại gặp may. 

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

CỨU CÁNH


Promete - Gần đây, báo chí có xu hướng lạm dụng từ Hán -Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng đúng . Đặc biệt, từ "cứu cánh", 10 người viết, 9 người sai. Vậy, "cứu cánh" là gì? Sau đây là bài viết của Phan Văn Thạnh tại http://newvietart.com/index922.html

                                                                                                                      PHAN VĂN THẠNH


"CỨU CÁNH” – nghĩa gốc là gì ?

Gần đây trong các bản tin,bài viết (báo mạng,báo giấy) thi thoảng người đọc vẫn bắt gặp cách hiểu,cách dùng từ “cứu cánh” chưa ổn, dẫn đến ý diễn đạt không được xác định rõ - muốn hiểu phải suy đoán nhưng chưa chắc đã trúng ý tác giả …?!
Thí dụ :
-Báo điện tử Sgtt.com- ngày 26/9/2012 chạy tít : “Mạng xã hội: một cứu cánh của ngoại giao”– Mạng xã hội (Twitter,Facebook,Youtube…),là những công cụ ngoại giao ít tốn kém mà lại hiệu quả và dễ dàng trong nhiều mục đích khác nhau.Chẳng hạn như cập nhật thiên tai,thu thập thông tin và quản lí các mối quan hệ”…( ý nói mạng xã hội là phương tiện lợi hại hỗ trợ ngoại giao…)
- Sggp.org.vn - ngày 14/9/2012 viết: “Trung tâm quốc tế về kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học,đánh giá thuốc Heberprot-P là một cứu cánh cho các bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối”. - (ý muốn diễn đạt:thuốc Heperprot-P là phao cứu sinh của người bênh tiểu đường).
-Sggp.org.vn- ngày 12/01/2013 dẫn tiêu đề: “Nghị quyết 02/NQ-CP “cứu cánh” của doanh nghiệp bất động sản”. – (NQ 02 -(gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế), là cái sào thò ra giữa dòng cứu các doanh nghiệp đuối nước…)
Tiếng Pháp có câu La fin justifie les moyens thường được dịch ra Việt ngữ Cứu cánh biện minh cho phương tiện - hoặc những cách dịch khác : Mục đích biện minh cho phương tiện – Mục đích cuối cùng biện minh cho phương tiện – Kết quả biện minh cho phương tiện…- Pháp Việt Từ điển của Đào Đăng Vỹ giảng :“Để đạt mục đích phương tiện gì cũng tốt”.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

QUYỀN LẬP HIẾN VÀ TRƯNG CẦU DÂN Ý


Quyền lập hiến của nhân dân trước tiên phải là quyền được bầu chọn cơ quan soạn thảo và thông qua hiến pháp. Cơ quan đó có thể là Quốc hội Lập hiến hoặc Quốc hội thông thường, hoặc là một cơ quan lập hiến theo một mô hình nào đó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng cơ quan đó nhất thiết phải đại diện cho toàn thể nhân dân.”
Mai Thái Lĩnh

Ba năm trước đây, ông Nguyễn văn An – nguyên ủy viên Bộ chính trị (hai khóa 8 và 9), cựu Chủ tịch Quốc hội (2001-2006), đã lên tiếng đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam cho “Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp để đúng nghĩa là người chủ đất nước”. Ý kiến này đã dấy lên cả một làn sóng tuyên truyền trong giới trí thức để đòi thực hiện “quyền phúc quyết”. Tin tức mới nhất trong những ngày gần đây cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến tán thành đề nghị này.[1] 

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

TRANH BÙI XUÂN PHÁI MINH HỌA THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG

Đỏ tái mặt xem tranh Bùi Xuân Phái minh họa thơ Hồ Xuân Hương


Những ý thơ gợi tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được khắc họa sinh động qua nét bút phóng khoángcủa cố danh hoạ Việt Nam.

Đó là bộ tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương, được cố danh họa thực hiện từ năm 1982 đến 1986. Bộ tranh này hiện do người con trai của ông là họa sĩ Bùi Thanh Phương lưu giữ. Gầy đây, nhiều tác phẩm trong bộ tranh đã được giới thiệu trên mạng.