Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

TÔI KHÔNG THẤY GÌ TRÊN HOA VÀNG VÀ CỎ XANH


Trong thời chiến và những năm gian khó sau hòa bình (1975), Việt Nam có những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao như Chung một dòng sông (1959), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Cánh đồng hoang (1978), Bao giờ cho đến tháng mười (1984),v.v… 



Rồi đổi mới, theo cơn lốc của đồng tiền trong kinh tế thị trường, xuất hiện dòng phim mì ăn liền (phim truyện nhựa và phim truyền hình) vào thập niên 90 (thế kỷ XX) với những tên tuổi như Lý Hùng, Diễm HươngViệt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Thái San, Y Phụng… trong hàng loạt phim như Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La... được sản xuất theo mẫu các phim võ thuật Hồng Kông, hay khai thác nhưng câu chuyện tình bi lụy, sướt mướt như Vị đắng tình yêu, Sau những giấc mơ hồng, Em không dối lừa, Sau cơn mưa trời lại sáng, Tóc gió thôi bay, Sao em vội lấy chồng. Được mệnh danh là mì ăn liền bởi dòng phim này dễ dãi về nội dung, yếu kém về nghệ thuật, làm nhanh, xem không cần suy nghĩ. Và tất nhiên nó bị chết yểu. Đến nay, dàn diễn viên mì ăn liền hồi ấy gần như vắng bóng trong làng phim Việt Nam.



Những năm đầu thế kỷ XXI, phim Việt Nam khủng hoảng thật sự. Rạp phim đóng cửa. Màn ảnh nhỏ bị phim “ung thư và máu trắng” Hàn Quốc chiếm lĩnh. Dòng phim này không chỉ tạo ra cơn sốt xem phim, mà còn hình thành hẳn một lớp phụ nữ sồn sồn trang điểm theo diễn viên Hàn, mắt nâu, môi trầm. Lúc mới xuất hiện kiểu trang điểm này, mọi người chưa quen mắt nên khi ra đường, nhỡ gặp một em mắt nâu, môi trầm; bỏ chạy mất dép vì tưởng gặp… ma. May cho văn hóa nước nhà, dòng phim này cũng đến hồi xếp xó. Phim Việt trở lại màn ảnh nhỏ với loại phim hở ngực, khoe mông như Gái nhảy, Những cô gái chân dài. Những năm gần đây phim hài nhảm lên ngôi. Dòng phim này vô cùng thảm hại. Diễn viên chỉ biết gây cười bằng động tác cơ thể , tóc tai quần áo kiểu “nửa người nửa ngợm, nửa đười ươi”, ăn nói nhảm nhí và vô văn hóa.
Những dòng phim nói trên, vô tình, tạo ra một lớp công chúng có thị hiếu thẩm mỹ thấp kém. Họ đã quay lưng với những bộ phim chính luận và lịch sử, ít nhiều mang tính nghệ thuật.
May, may thật. Ngay trong bối cảnh phim ảnh hổ lốn như thế, phim Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đem chiếu rạp. Xem phim, tôi đã không thấy gì trong Hoa vàng và Cỏ xanh ?
Tôi không thấy:
- Mông và ngực
- Chân dài
- Nói nhảm vô văn hóa
- Tóc vàng, tóc xanh
- Đánh đấm kiểu phim hành động Mỹ
- Nhà giàu yêu nhà nghèo
- Nhà lầu, xe hơi và súng
Tóm lại là không thấy những thứ ở phim mì ăn liền, phim cởi quần áo, và phim hài nhảm.
Không có những thứ ấy mà gần một tháng chiếu rạp vẫn còn khán giả. Vì sao ? Vì phim đã động chạm đến nơi sâu thẳm nhất của con người là quê hương, tuổi thơ và những rung động đầu đời. Nhưng điều này cũng chỉ có ở đám dân quê như tôi, còn bọn con nhà tham quan, tâm hồn nó không chứa nổi những thứ này. Vì vậy, dù phim mang tính nhân văn, nhưng không phải dành cho tất cả mọi người.
Viết vậy, không biết có phải nói nhảm không?












1 nhận xét:

Nếu bạn không có tài khoản Google hoặc không muốn đăng nhập, hãy chọn ""ẩn danh"" trong mục "nhận xét với tên"