Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Diễn biến chính trên chiến trường Bình Định năm 1975

    Thắng lợi dồn dập trên khắp chiến trường miền Nam đã tạo nên những thay đổi căn bản về so sánh lực lượng giữa ta và địch. Đầu tháng 1.1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam…

Họp bàn chiến dịch chuẩn bị giải phóng Quy Nhơn. Ảnh: Tư Liệu
   Căn cứ vào chủ trương của Bộ Chính trị và Khu ủy khu 5, Tỉnh ủy Bình Định xác định nhiệm vụ mở chiến dịch tiến công tổng hợp nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phương tiện chiến tranh, phá vỡ một bộ phận hệ thống phòng ngự cơ bản của địch, đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm vùng giải phóng, tiến lên giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, đẩy vùng tranh chấp lên sát Quốc lộ số 1, đường 19, ven quận lỵ, thị xã…
   Cũng trong thời gian này, nằm trong kế hoạch nghi binh nhằm thu hút địch tập trung phòng thủ ở Pleiku để quân ta tấn công đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên chủ trương đánh cắt đường 19. Đúng 5 giờ 35 phút ngày 4.3.1975, Tiểu đoàn 19 công binh của tỉnh đánh sập cầu Dài trên đường 19; cùng lúc đó, Sư đoàn 3 Sao Vàng đồng loạt tấn công tiêu diệt và làm chủ hàng chục chốt điểm của địch từ lăng Mai Xuân Thưởng đến đèo Thượng Giang, Truông Ổi, Tiên Thuận (Bình Giang - Bình Khê) mở đầu chiến dịch Đại thắng mùa xuân trên chiến trường Bình Định.   Phối hợp với chiến dịch cắt đường 19 của Sư đoàn 3 Sao Vàng, từ ngày 4-22.3.1975, bộ đội địa phương của tỉnh tấn công dồn dập tiêu diệt các cụm cứ điểm của địch ở phía bắc đường 19, khu trọng điểm là đông bắc huyện Bình Khê, tây An Nhơn, giải phóng một vùng rộng lớn, liên hoàn gồm 6 xã: Bình Hòa, Bình An, Bình Tân (Bình Khê), Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ và Nhơn Khánh (An Nhơn). Tại khu trọng điểm nam Phù Cát, đông An Nhơn, đông Tuy Phước ta giải phóng 5 xã: Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Thắng (Phù Cát), Nhơn An, Nhơn Phong (An Nhơn); chặt đứt Quốc lộ số 1 và đường 19; bao vây, cô lập địch ở các quận lỵ và thị xã Quy Nhơn.
   Giữa lúc này, tin chiến thắng từ khắp các chiến trường: Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi dội về, tinh thần quyết tâm giải phóng quê hương dâng cao. Chiều ngày 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận tỉnh họp quyết định phát động phong trào tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng quê hương, với khẩu hiệu: xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh.
   Ngày 29.3, giải phóng huyện Hoài Nhơn. Ngày 30.3, Bộ chỉ huy Mặt trận tỉnh ra lời kêu gọi: Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh xông lên, đạp bằng mọi trở lực, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, tổng công kích và nổi dậy giải phóng thị xã Quy Nhơn! Giải phóng tỉnh Bình Định!
   Ngày 31.3: 8 giờ, quận lỵ Phù Mỹ được giải phóng; 9 giờ, quận lỵ Phù Cát đã trở về tay nhân dân; 10 giờ, quận lỵ Phú Phong đã rợp trời cờ giải phóng và từ 12 giờ ta đã giải phóng, làm chủ quận lỵ An Nhơn, Tuy Phước. Các Tiểu đoàn 50, 53, 75; Trung đoàn 92, 93; Sư đoàn 3 và một bộ phận Sư đoàn 968 từ Tây Nguyên xuống, đã phối hợp tác chiến rất nhịp nhàng và táo bạo cùng với lực lượng quần chúng nổi dậy, giáng cho địch những đòn quyết định. Các mũi tiến công của lực lượng bộ đội ta ráo riết truy kích địch, áp sát vào nội thị Quy Nhơn. Bộ chỉ huy chiến dịch tiền phương quyết định đưa lực lượng tiến thẳng vào Quy Nhơn, chiếm các mục tiêu chính là Tỉnh đường, Ty Công an, Đài Phát thanh, Ty Thông tin – Chiêu hồi… Sau đó, Tỉnh ủy phát động nhân dân thị xã phối hợp với bộ đội truy kích, bao vây và gọi hàng binh lính, chính quyền Sài Gòn. Đến 24 giờ ngày 31.3.1975, các chiến sĩ Tiểu đoàn 50 bộ binh của tỉnh tiến vào Dinh Tỉnh trưởng và cắm cờ, khẳng định giờ cáo chung của chế độ ngụy quyền Sài Gòn Quy Nhơn - Bình Định.
   Sau khi giải phóng thị xã Quy Nhơn (31.3), Trung đoàn 93 của tỉnh và một số đơn vị bộ đội địa phương được lệnh triển khai lực lượng ven bờ biển, chặn đường rút chạy của địch và sẵn sàng tiêu diệt các tàu thuyền đến đón tàn quân. Biết trước có một lực lượng lớn của địch ở Phú Tài và cầu Bà Gi đang tìm đường xuống Quy Nhơn hòng thoát ra biển, tối 31.3, quân ta đánh sập cầu Sông Ngang. 0 giờ ngày 1.4, trên 4.000 lính thuộc Sư đoàn 22 bộ binh, Thiết đoàn 14 cùng các đơn vị pháo binh, lính bảo an với hơn 200 xe quân sự, trong đó có nhiều xe tăng và xe bọc thép rút về Quy Nhơn. Đến cầu Sông Ngang bị sập, chúng rẽ theo đường Lam Sơn vòng xuống đường Nguyễn Huệ thì lọt vào trận địa mai phục của ta. Bị đánh chặn đầu, khóa đuôi, thọc sườn, địch mở đường máu rút chạy xuống bãi biển Quy Nhơn. Trong khi đó, 2 tàu chiến của địch tiến sát bờ biển thả xuồng máy chạy vào đón đồng bọn bị hỏa lực của Tiểu đoàn 73 và các đơn vị phối hợp đánh tan đội hình.
Tác giả : Nguyễn Chí Cường
Nguồn bài Bình Định Online 

2 nhận xét:

Nếu bạn không có tài khoản Google hoặc không muốn đăng nhập, hãy chọn ""ẩn danh"" trong mục "nhận xét với tên"