Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

KÝ ỨC VỀ NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ

 Niềm mơ ước một thời - nguồn ảnh từ internet
   Xưa. Cũng không xưa lắm, mới những năm 70 của thế kỷ trước thôi, nghĩa là khi nhân loại đã bước vào kỷ nguyên tự động hóa. Nhưng ở một làng quê, với lũ trẻ chúng tôi, đồng hồ chỉ là một thứ ước mơ không bao giờ có được. Còn nhớ hồi ấy “chuẩn” để đánh giá sự sang trọng là đồng hồ, bút máy và radio.

   Khổ nỗi làm bất cứ việc gì cũng cần phải biết thời gian. Lũ trẻ chúng tôi được người lớn truyền dạy ( một cách rất tự nhiên) cách xác định thời gian bằng những chiếc “đồng hồ” không bao giờ bị hỏng, không mất tiền và nói bằng ngôn ngữ ngày nay là “rất thân thiện với môi trường”.

   Đo bóng mình dưới nắng:

   Rủ nhau đi học, thế nào cũng có đứa hỏi: “mấy bước rồi ?” (lẽ ra phải hỏi “mấy giờ rồi”). Ấy là vì chúng tôi xác định thời gian bằng cách đo xem cái bóng của mình đổ trên mặt đất dài được mấy bàn chân (chiều dài mỗi bàn chân là một bước). Tùy theo mùa, cái bóng ấy dài độ hai, ba bước, đến lớp là vừa. Đang chơi đùa vui vẻ, thỉnh thoảng có đứa chạy ra giữa trời đứng ngay ngắn rồi đếm bước, đó là những đứa biết lo xa, sợ trễ giờ đi học.

   Nhìn trăng

   Lớn lên một chút, rời trường làng, học trường xã. Hai, ba xã mới có một trường. Làng tôi cách trường hơn 10 cây số. Và đi bộ. Vì thế ba, bốn, giờ sáng đã phải dậy học bài, nấu cơm ăn sáng để chuẩn bị đến trường. Không có bóng nắng để “xem giờ”, chúng tôi dùng loại “đồng hồ” rất thơ mộng, mang tâm hồn thi sĩ: Nhìn trăng.
   Vào hạ tuần mỗi tháng, trăng lặn muộn. Tùy theo hôm, cứ khi nào trăng cách đỉnh núi chừng ba, bốn con sào là xuất phát. Cứ thế, vừa rảo bước vừa nhìn trăng. Đến lúc ánh sáng ban ngày lan tỏa chiếm lĩnh bầu trời, trăng chỉ còn là một vệt nhờ nhờ lẩn khuất trong những đám mây là sắp đến trường. Chúng tôi đi học dưới trăng như vậy suốt thời cấp hai, nhưng chẳng biết sao không đứa nào trở thành thi sĩ.

   Nghe gà gáy canh

   Vào thượng tuần mỗi tháng, về sáng không còn trăng, chỉ có cách nghe gà gáy canh để biết giờ. Đây là loại “đồng hồ” thiếu chính xác nhất. Thường gà gáy lần thứ ba dậy chuẩn bị, đến gà gáy lần tư “xuất môn” là vừa. Nhưng khổ nỗi, không thể thức suốt đêm để đếm canh gà. Có hôm đếm nhầm, đi quá sớm, càng đi trời càng tối, phải ngồi túm tụm giữa gò chờ sáng. Có thằng nổi hứng kể chuyện ma. Mấy đứa con gái sợ ma hơn sợ con trai, nên cứ nép sát vào ôm cổ, bá vai, để sáng ra cứ nhìn mặt là chúng nó bẽn lẽn quay đi chỗ khác. Lại có hôm, vừa nghe gà gáy xong, nhưng mới ra khỏi nhà, trời sáng rõ, phải vắt chân lên cổ mà chạy. Sau này, khi học cao đẳng, có thằng đói quá rủ nhau đi moi trộm khoai lang, bị phát hiện, nó chạy nhanh nhất hội là nhờ vậy.

    Nghe trống chùa

    May mắn và chính xác nhất là là nghe tiếng trống chùa. Cứ 4 giờ sáng, chính xác như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, nhà sư dậy đánh một hồi ba tiếng trống, rồi sau đó tụng kinh. Đêm thanh vắng, tiếng trống vang vọng cả làng. Dứt hồi trống, lũ học trò chúng tôi tập trung điểm hẹn đến trường. Biết chắc là thời gian chính xác nên không phải lo lắng, cứ ung dung với tốc độ vừa phải là đến trường đúng giờ học. Nhưng không phải lúc nào cũng có tiếng trống chùa, vì không nhà sư nào trụ trì tại chùa làng tôi một cách lâu dài. Cứ đến, rồi đi. Nhiều khoảng thời gian chùa làng “vắng như chùa Bà Đanh”. Và vắng cả tiếng trống chùa.
   Đám bạn giờ mỗi đứa một nơi. Có đứa bám làng; có đứa đang hít khói xe ở nơi phồn hoa đô hội nhưng thiếu khí trời; có đứa lang bạt tận Tây Nguyên với rừng xanh, núi đỏ… nhưng chắc không đứa nào còn sử dụng loại “đồng hồ” hồi ấy.
   Hôm nay khó ngủ, dậy lên sân thượng, bất chợt nhìn thấy trăng chênh chếch đỉnh đồi. Lại một tiếng gà lẻ loi vọng tới. Ký ức những “chiếc đồng hồ” ùa về. Ghi vội mấy dòng lên nhật ký mạng. May ra, đứa bạn nào đọc được, có cái để nó chửi: “Rõ cái đồ ngớ ngẩn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không có tài khoản Google hoặc không muốn đăng nhập, hãy chọn ""ẩn danh"" trong mục "nhận xét với tên"