Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Tự học và học suốt đời

Nguồn ảnh từ internet

   Tự học và học suốt đời vừa là một phẩm chất vừa là một tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục.
    Cho đến trước khi Bác bước chân vào Trường đại học Phương Đông ( khoảng 1924 ), thời gian Người cắp sách đến trường không nhiều lắm, nhưng Người đã có vốn kiến thức rất phong phú trên nhiều lĩnh vực. Phần lớn vốn kiến thức ấy là do mình tự học. Đi đâu Người cũng học và học theo cách của mình. Trên chuyến tàu sang Pháp (1911),

Người làm phụ bếp quần quật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Việc xong, trong lúc những người khác đi ngủ hoặc đánh bài, thì Người học tiếng Pháp bằng cách hỏi chuyện với những người Pháp trên tàu. Năm 1912, Người làm thuê cho chuyến tàu khác đi vòng quanh châu Phi. Tàu dừng lại ở đâu, Người cũng quan sát, nhận xét tỉ mỉ về những gì mình đã chứng kiến. Từ thực tế đó, sau này Người kết luận: “ Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người : giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái thật mà thôi : Tình hữu ái vô sản”. Năm 1913 Người từ Mỹ sang Anh là để học tiếng Anh.   Khi đã là lãnh tụ Bác vẫn là một tấm gương về tự học và học suốt đời. Bác nhắc nhở người cán bộ cách mạng : “Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế” . “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”. Bác ít khi tự nói về bản thân mình, nhưng đối với việc học, có lần Người tâm sự : “ Tôi năm nay đã 71 tuổi. ngày nào cũng phải học… Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và , thật cảm động : Bác biết 28 thứ tiếng ( theo một nhà báo phương Tây gặp Bác năm 1923), nhưng khi Bác mất, các bác sĩ nhìn thấy quyển tự điển Tây Ban Nha trên giường bệnh của Người !
   Tư tưởng tự học và học suốt đời của Người được Đảng ta vận dụng ngay sau cách mạng Tháng Tám trong phong trào học bình dân. Lúc đó chúng ta đã thực sự có một “xã hội học tập” đúng nghĩa, mặc dù thuật ngữ này mới xuất hiện trong những năm gần đây. Nhờ vậy, chỉ trong hai năm, hơn 90% dân số mù chữ của nước ta dưới thời thuộc Pháp đã biết đọc biết viết. Một kỳ tích của nền giáo dục Việt Nam ! Kỳ tích làm nên trong bối cảnh không có một đồng ngân sách nào dành cho giáo dục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không có tài khoản Google hoặc không muốn đăng nhập, hãy chọn ""ẩn danh"" trong mục "nhận xét với tên"